Nguy cơ cháy, nổ tại di tích và nơi thờ tự: Trên chỉ đạo, dưới có làm ngơ ? (14/11/2016)
.jpg) | Dư luận cho rằng, nếu để xảy ra sự cố thì những đơn vị liên quan phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, chứ không nên để rơi vào tình trạng “hòa cả làng” | VH- Những năm gần đây đã xảy ra nhiều vụ cháy tại di tích và nơi thờ tự, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình có giá trị kiến trúc nghệ thuật, hiện vật của cha ông. Dư luận đang đặt câu hỏi, phải chăng trên cứ chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống cháy nổ, còn ở dưới cứ làm ngơ hoặc xem thường “Bà hỏa”?Mới đây nhất là toàn bộ nhà Tổ thuộc di tích lịch sử văn hóa quốc gia chùa Thanh Lâu (hay còn gọi chùa Tĩnh Lâu, quận Tây Hồ-Hà Nội) đã bị cháy chỉ còn trơ lại bộ khung. Đến thời điểm này cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng nguyên nhân nhưng qua nhận định sơ bộ có thể là do chập điện. Hậu quả của vụ cháy này vẫn chưa thể đánh giá cụ thể. Những vụ cháy di tích trong khoảng hai, ba năm trở lại đây mà chúng tôi đã trực tiếp tìm hiểu thì được biết, chủ yếu vẫn là những nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến sự cố như chập điện; đổ cây nến đang thắp và sơ sẩy trong khi đang hóa vàng, mã… Sau mỗi vụ cháy vẫn chưa thấy ai đứng ra nhận trách nhiệm và bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Vẫn biết rằng, sự cố cháy, nổ tại các công trình nói chung và tại di tích, nơi thờ tự nói riêng là điều không ai mong muốn. Để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản thì cần phải nâng cao ý thức, trách nhiệm, đồng thời tăng cường công tác phòng chống cháy nổ. Thế nhưng vì sao nguy cơ cháy nổ di tích vẫn đang có dấu hiệu báo động. Chỉ tính riêng từ năm 2009 đến nay, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hóa trên toàn quốc, Bộ VHTTDL đã ban hành hàng chục văn bản, trong đó có đến hai Chỉ thị gửi UBND, Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường các biện pháp quản lý di tích và các hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Tại mỗi văn bản đều nhấn mạnh Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương các cấp tiến hành kiểm tra, rà soát các di tích để có phương án bảo vệ, phòng, chống cháy nổ, trộm cắp di vật, cổ vật, đảm bảo giữ gìn an toàn tuyệt đối cho di tích. “Khoảng mười năm trở lại đây, cứ vào đầu năm Bộ VHTTDL đều có văn bản gửi Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác quản lý di tích, phòng chống cháy nổ. Thậm chí có những năm Bộ ban hành đến hai văn bản để chỉ đạo, nhắc nhở các địa phương nâng cao ý thức trách nhiệm, báo cáo, đề xuất với UBND tỉnh các phương án bảo vệ di tích như lắp đặt hệ thống camera theo dõi. Bố trí hệ thống báo cháy và cứu hỏa tự động, kiểm tra và thay thế hệ thống điện không đảm bảo trong di tích. Ngoài ra, tại mỗi lần hội nghị tập huấn bảo vệ di sản, lãnh đạo Bộ và Cục Di sản văn hóa đề nghị Sở VHTTDL, các Ban quản lý di tích cần đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống cháy nổ; khẩn trương kiểm tra các thiết bị để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho di tích. Tuy nhiên, những sự cố đáng tiếc vẫn còn xảy ra đối với di tích”, ông Trần Đình Thành, Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) cho biết. .jpg)


Ảnh từ trên xuống: Cháy nhà Tổ chùa Thanh Lâu (ngày 4.11.2016); Cháy một phần Khu di tích kiến trúc - nghệ thuật chùa Bút Tháp, Bắc Ninh (tháng 8.2015); Cháy nhà Lang tại Bảo tàng Không gian văn hóa Mường, Hòa Bình (tháng 10.2013). Ảnh: P.Anh - T.L Không chỉ ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống cháy nổ, chống trộm cắp tại di tích, Bộ VHTTDL còn đề nghị các địa phương cần phải kiện toàn bộ máy quản lý di tích các cấp, luôn bố trí người trông coi, bảo vệ di tích, hướng dẫn khách tham quan di tích thực hiện nếp sống văn minh, thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy định, giữ gìn vệ sinh môi trường. Đặc biệt, Bộ yêu cầu các Ban quản lý di tích bài trí đồ thờ trong di tích thoáng, gọn, không để vàng mã, các vật liệu dễ cháy như nến cốc, vải, nhựa… trên ban thờ. Những văn bản chỉ đạo và nhắc nhở của Bộ VHTTDL trong những năm gần đây đối với công tác quản lý di tích, phòng chống cháy nổ di sản liên tiếp được gửi đến các địa phương. Phần còn lại là trách nhiệm của Sở VHTTDL, Sở VHTT, các Ban quản lý di tích, sư trụ trì, người được giao trông coi bảo vệ di tích. Thiết nghĩ, nếu để xảy ra sự cố thì những đơn vị liên quan phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, chứ không nên để rơi vào tình trạng “hòa cả làng”. Hà Nội: Yêu cầu các cơ sở lưu trú đảm bảo điều kiện phòng cháy chữa cháy Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng đã ký văn bản yêu cầu giám đốc các doanh nghiệp, chủ các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội thực hiện tốt nội quy, quy định về công tác phòng cháy chữa cháy của Nhà nước và các cơ quan chức năng để đảm bảo an toàn cho du khách. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng trang thiết bị báo cháy, phương tiện chữa cháy đã được trang bị, duy trì kiểm tra an toàn hệ thống điện và thiết bị tiêu thụ điện theo định kỳ. Thường xuyên tổ chức tập huấn bổ sung, bồi dưỡng kiến thức nhằm nâng cao nhận thức về phòng cháy chữa cháy trong cơ sở lưu trú du lịch. Nhắc nhở du khách chấp hành tốt các quy định về phòng cháy chữa cháy trong cơ sở lưu trú của doanh nghiệp mình. T. Hà |
Lâm Sơn |